Hồi ký của Hoa Nghiêm/
Tạp chí Thời Nay (1972)
Hồi ký hấp dẫn dưới đây nói về
một cuộc trú đóng luân phiên 4 tháng, canh giữ bảo vệ đảo Hoàng Sa, của một đại
đội thuộc quân đội Việt Nam (Miền Nam trước năm 1975), khoảng
đầu những năm 1960. Một câu chuyện chân thật, thú vị, giúp chúng ta hình dung
được trên đảo Hoàng Sa từng có những loài sinh vật nào, những ai ở trên đó? một
ngôi đền thiêng với pho tượng phật bằng đồng đen, nỗi hoảng sợ khi rất nhiều
người đổ bệnh, sự xuất hiện đến khó tin của một vị khách người Nhật trên chiếc
ghe nhỏ bé và liều "thuốc quý" của ông ...vv. Và trên hết, là sự bình
thường giản dị, nhưng trong sáng, hy sinh và cao cả biết bao - trong trọng
trách gìn giữ lãnh thổ thiêng liêng của những người lính Miền Nam ngày trước.
Đây là một trong số khá hiếm những bài viết về đảo Hoàng Sa từng xuất bản. Tôi
tin rằng những người từ 50 tuổi sẽ thích bài viết này. Và sẽ thật đặc biệt, biết đâu đấy, nếu tình cờ
chú bác nào đọc bài viết này lại chính là một thành viên trong đại đội giữ đảo
năm ấy.
<< (ảnh chụp bài viết trên bán nguyệt san Thời Nay số 284 (1972))
Hồi ký "Bốn tháng trên đảo Hoàng Sa" được đăng trên bán nguyệt san Thời Nay số 284, xuất bản ở Miền Nam năm 1972. Tôi có duyên mua được số báo này tại một nhà sách cũ ở Sài Gòn gần đây. Thời Nay nguyên là một tạp chí tư nhân nổi tiếng, chuyên viết về văn hoá - lịch sử, thành lập từ năm 1959 ở Sài Gòn, chủ bút là ông Nguyễn Văn Thái.
Ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã bất ngờ đổ quân đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Hải chiến Hoàng Sa). Mặc dù những người lính phía Việt Nam đã anh dũng chiến đấu hy sinh, nhưng do yếu thế hơn về tương quan lực lượng, nên chúng ta đã mất Hoàng Sa từ ngày ấy. Cũng từ ấy đã không còn dấu chân người Việt đi tuần tra trên đảo Hoàng Sa như trong hồi ký này nữa. Gần 50 năm đã trôi qua, ngày nay bọn Trung Quốc đã xây dựng sân bay, bến tàu và thành lập "thành phố" ở đảo Hoàng Sa và đang dã tâm thực hiện tham vọng bành trướng chiếm gần trọn biển Đông, bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Liệu chúng ta có quyền hy vọng một ngày nào đó con cháu đời sau sẽ lấy lại được Hoàng Sa về với đất mẹ?
...............
Một quân nhân ghi lại những ngày nhọc nhằn lẫn thích thú khi
theo gót Lỗ Bình Sơn sống một thời gian trên hòn đảo hoang vắng "tạo thời
cuộc". Thời Nay đăng thiên hồi ký hấp dẫn này thành hai kỳ hiến bạn
đọc. (Ghi chú: Lỗ Bình Sơn
là nhân vật văn học Robison Crusoe)
Đại đội chúng tôi còn năm hôm nữa sẽ xuống tàu ra đồn trú ở đảo Hoàng Sa. Đơn vị chúng tôi là đại đội tiếp lực đóng tại Vĩnh Điện thuộc Tiểu đoàn X. Sau những năm dài vào sinh ra tử chiến đấu cam go, nay có dịp xả hơi nên tuy phải đổi ra một đảo hoang vắng mọi người đều có vẻ thoải mái. Ngay từ khi mới nhận được lệnh, chúng tôi liền giở thư báo tin cho người nhà biết và mua sắm các loại vật dụng cùng thực phẩm cần thiết.
Biết rằng Hoàng Sa là một quần đảo hoang vu không có dân cư, để chuẩn bị thức ăn tươi, ngoài số quân nhu vật thực do đơn vị đảm trách, các trung đội họp nhau vạch kết hoạch chung tiền mua hạt giống rau củ, đậu cà, mua gà con, heo giống đem theo nuôi, người ta còn mua cả lưỡi câu, lưới, chỉ, ny lông để bắt cá. Riêng cá nhân mỗi người đều sắm sửa mang theo nào tiêu, ớt, hành, tỏi, dầu, đường, bột mì. Người thì mang theo thuốc lá, cà phê hộp, sữa, sách, truyện, có người mang theo cả chó con, mèo và cả chim sáo nữa. Chúng tôi chuẩn bị sống cuộc đời của nhân vật tiểu thuyết Lỗ Bình Sơn trên hoang đảo.
Vào lúc 5 giờ chiều, con tàu chở đại đội chúng tôi rời bến Đà Nẵng rẽ sóng về hướng đông. Chúng tôi vui nhộn khi xuống tàu nhưng độ vài giờ sau một phần lớn anh em không quen sóng đã nằm dã dượi khắp sàn tàu. Anh hạ sỹ Duệ đã tiên liệu sẵn cho mấy hộp thuốc trừ mửa nautamine nhưng không đủ để phân phát cho tất cả mọi người, chỉ biếu cho trường hợp các bạn say sóng quá nặng. Chiều hôm đó không ai dám ăn cơm no, có nhiều người đành chịu nhịn đói. Hai ngày ảm đạm chỉ thấy trời nước mênh mông chậm chạp trôi qua. Đến sáng ngày thứ ba thì tàu cập bến trước sự vui mừng chờ đợi của anh em binh sỹ đại đội trú đóng lâu nay trên đảo đang mong đợi ngày trở về quê nhà ...
Hoàng Sa là một hòn đảo của biển Nam Hải, giữ một vị trí chiến lược rất quan trọng ở Thái Bình Dương, nằm về phía đông nam của đảo Hải Nam được người Pháp trú đóng năm 1938. Sau đó thì bị quân đội Nhật chiếm cứ và sau này vào năm 1947 thì Trung Hoa cũng muốn dành, lạm nhận là thuộc hải phận đảo Hải Nam.
Đảo Hoàng Sa nơi chúng tôi trú đóng hình hơi thuân thuẫn dài khoảng 2 cây số và rộng độ 1 cây số. Lên đảo chúng tôi đi qua một đoạn đường cát vàng rộng chừng 20m, kế đến là một loại rừng thưa mọc toàn một loại cây lá to bằng bàn tay màu xanh lá chuối non mà tôi chưa hề gặp trong đất liền. Thân cây cứng và cao độ vài thước, lá mềm, người ta gọi là cây Trăng. Trong rừng thưa có đường sá ngang dọc lát đá hẳn hoi, dẫn đến trung tâm của đảo là nơi quy tụ những nhà cửa bằng gạch làm nơi đồn trú cho những đơn vị quân sự.
Nhà cửa ở đây đều xây bằng gạch, lợp ngói, khá đầy đủ tiện nghi, ngăn nắp, có nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng nuôi heo, nuôi gà, có bể đựng nước, có giếng, có chuồng ủ phân trồng cây ... Người ta bảo rằng các cơ sở này do Pháp xây cất ngày trước để dự bị trong kỳ Thế chiến II không cho người nước khác chiếm, đặc biệt là người Nhật. Cách không xa nơi quân đội đóng là đài thiên văn do một nhóm 5 chuyên viên phụ trách với rất nhiều máy móc phức tạp để hằng ngày đo gió, đo nước mưa, tiên đoán thời tiết ... Đây cũng là tổng đài vô tuyến điện mà đơn vị chúng tôi phải nhờ mỗi khi muốn liên lạc với đất liền.
Vắng thú rừng
Nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi là cố thủ bảo vệ đảo này và kiểm soát mọi tàu bè ghe buồm đi vào hải phận thuộc đảo. Chung quanh đảo là một dải cát viền quanh, rải rác có tám toà pháo đài kiên cố xây mặt ra biển. Tuy vậy ban đêm chúng tôi không canh gác ở pháo đài mà chỉ thay phiên nhau chia từng tiểu đội đi tuần tra dọc bờ biển bao quanh đảo.
Ban ngày sau khi tập thể thao buổi sáng sớm, ngoài ban hoả đầu quân lo việc cơm nước cho đơn vị, chúng tôi phân công chia nhau toán thì tập dượt văn nghệ để thỉnh thoảng ban đêm trình diễn giải trí cho anh em, toán thì đi câu cá, câu mực, đi bắt cua, còng, sò, toán thì cuốc xới đất đai để trồng trọt các loại rau ớt, hành, ngò, toán thì phục trách chăn nuôi heo gà, toán thì đi kiếm củi, múc nước đem về nấu nướng ...
Thảo một trên đảo đa số chỉ ròng rặc một loại cây Trăng lá to bằng bàn tay màu lá chuối non. Sai với điều tôi lầm tưởng là ở đảo có lẽ có nhiều dừa lắm nhưng ở đây chẳng thấy bóng dáng một cây nào cả. Gần các cơ sở xây cất có một cây vông nem khá lớn trổ hoa đỏ hoét là thứ hoa duy nhất mà chúng tôi gặp suốt bốn tháng trời trú ngụ trên đảo. Rải rác gần đài thiên văn có năm bảy cây dương liễu là thứ cây quen thuộc khi còn ở quê nhà. Cây vông và các cây dương liễu kia theo người ta nói là do người Pháp đã trồng trước đây. Để ý quan sát các loại rau cỏ dại tôi nhận thấy có loại rau muống biển mọc gần bờ biển, còn rải rác trên đảo thì có loại rau sam, rau dền, rau trai. Có thì có cỏ chỉ, cỏ cú, cỏ may ...
Trên đảo vắng thú rừng, chỉ có vài con heo hoang nghe đâu hồi trước được nuôi nhưng đã xổng chuồng chạy vào rừng luôn. Trên bờ bể thì có loại còng như ở đất liền. Đặc biệt ở đảo này có loại cua vỏ màu xanh lục sanh sản rất nhiều, nuôi sống bằng lá cây Trăng thổ sản trên đảo. Thứ cua này bò chậm chạp dễ bắt nhưng lại leo cây rất giỏi và chúng thường làm ổ trong các bọng cây hoặc đào hang ở dưới gốc cây. Cua này quá nhiều ở khắp rừng trên đảo chứ không thấy xuống nước. Ban đầu chúng tôi còn bắt nấu cả con để ăn nhưng nhiều người chê bụng cua hôi mùi lá cây nên về sau chỉ bắt bẻ lấy hai càng cho nhiều thịt, còn cua thì thả đi. Không rõ về sau chúng có mọc càng khác hay không hoặc sống chết thế nào.
Ban đêm thì có những con vích to bằng mặt bàn từ dưới biển bò lên ven rừng thưa cạnh bờ cát để đào cát đẻ trứng. Vích là một loại rùa biển vỏ màu xám mà mềm hơn mu rùa đất, cũng chia làm mười ba mảnh, rất khoẻ mạnh, một người cưỡi trên lưng vẫn chạy như không. Thường đêm chúng từ biển sâu lên bờ đến ven rừng bới cát đẻ trứng. Chúng đẻ xong lấp cát lại như cũ, mỗi ổ có thể sắp đến một thùng rưỡi dầu hoả trứng. Trứng to hơn trứng gà nhưng vỏ mềm, luộc chín thì lòng đỏ đông cứng lại, còn lòng trắng thì cứ bầy nhầy chứ không rắn lại như trứng gà. Vích ban ngày lặn xuống biển sâu, ban đêm mới lên bờ đẻ. Chúng tôi thường rình bắt trong lúc chúng đang nằm đẻ bằng cách thình lình đến lật ngửa chúng ra và hè nhau khiêng về hạ thịt.
Đêm đầu tiên ra đảo chúng tôi bị một phen hoảng vía vì đang đêm bỗng được toán tuần tiễu báo cáo có nghe tiếng đào cát và tiếng thở hổn hển. Đơn vị tôi liền được cấp chỉ huy một mặt cho bắn bích kích pháo ngăn chặn quanh đảo, một mặt dùng vũ khí cá nhân bắn tưới hột sen vào các vị trí nghi ngờ. Nghe tiếng súng dữ dội, các nhân viên thiên văn đài chạy sang hỏi và sau khi được nghe kể lại như trên, các bạn ấy nói rằng đấy có thể là tiếng vích bới cát để đẻ trứng vì họ ở đây đã lâu nên đã nhiều lần nghe như vậy và đã có nhiều đơn vị trước đây cũng đã lầm như chúng tôi. Trung uý đại đội trưởng ra lệnh ngưng bắn, cho đi quan sát lại và quả nhiên tìm thấy có bảy tám con vích đang đào cát đẻ trứng. Từ đấy ban đêm chúng tôi chia nhau đi bắt vích, tính suốt thời gian trú đóng trên đảo bắt có đến bảy tám chục con.
Chung quanh bờ bể dưới nước không phải là bãi cát lài mà là một vòng đai san hô rộng khoảng 500 mét trên mặt sóng đánh phẳng lì. San hô mọc không đều nên khi nước thuỷ triều hạ xuống, có những vũng nước lớn như những cái đìa cạm bẫy chứa nào cá, mực, tôm, chình chưa kịp rút lui bị mắc kẹt. Chúng tôi chỉ việc lấy vợt xúc hoặc lấy dùi sắt đâm, đập đem về nấu nướng không phải dùng đến lưới bủa gì cả. Hải sản ở đây gồm đủ loại cá trên đất liền như các trích, cá ngừ, cá thu, cá chuồn, cá sòng, mục nang, mực ống, bạch tuộc ...vv, tôm, hải săm, sao biển, sứa cũng không thiếu gì. Hơi xa bờ biển một chút thì có cá heo, cá bò, cá mập. Một lần chúng tôi chèo ghe ra xa suýt bị đắm vì bầy cá heo bơi lượn chung quanh để đùa với chúng tôi.
Nhưng hải sản làm cho chúng tôi lưu tâm hơn cả là những con sò khổng lổ gồm hai mảnh vỏ to như hai chiếc nón lá Huế úp lại cũng rải rác nằm trong vòng đai san hô quanh đảo, vô phước ai dẫm chân lọt vào mồm nó mà nó ngậm lại thì nhất định là đứt nghiến cả ống chân. Ban đầu chúng tôi bắt loài sò này về nấu nướng cả con làm nhiều món ăn rất thích thú. Nhưng về sau nhiều quá ăn chán chúng tôi không ăn thịt cả con nữa mà chỉ bắt khiêng về dùng dao bén xẻo lấy hai sợi gân khổng lồ khép mở miệng sò to bằng bắp tay thái mỏng thành tấm theo kiểu máy gọt gỗ bút chì phơi khô để dành đem về biếu bạn bè nhắm rượu.
Ngôi đền thiêng
Nói đến những con sò khổng lồ này tôi không khỏi nhớ đến cái chết của anh Tế, một bạn đồng đội hiền lành mà đến nay vẫn còn là một nghi vấn trong đầu óc mọi người.
Nguyên gần bến tàu trên đảo có một cái đền tục danh gọi là Đền Đức Bà. Bến tàu nầy xây ở phía nam của đảo Hoàng Sa để tránh gió Bắc những khi biển động. Đền là một toà nhà xây rất kiên cố, lợp ngói, nhìn kiến trúc bên ngoài khi mới đến chúng tôi không ngờ đấy là một ngôi đền. Cạnh đền có một bảng lớn bằng mặt bàn một bên khắc chữ nho, một bên khắc chữ Pháp ghi sự tích người đầu tiên khám phá ra đảo nầy. Trong đền, trên bệ thờ là một bức tượng đồng đen đúc và trạm trổ một nữ thần đầu đội mũ giống như nơi tượng đài Địa Tạng Bồ Tát, một tay cầm một vật giống như gậy tích trượng, một tay để trên đùi. Người ta không biết gốc tích pho tượng này ở đâu chỉ nghe rằng người Pháp trước đây đã nhiều lần dự định chuyên chở đi nơi khác nhưng không thành công vì không xê dịch nổi hoặc khi thì xảy ra tai nạn ghe tàu, khi thì người chủ trương bị chết thảm ...
Trước những hiện tượng siêu nhiên, cuối cùng người Pháp cũng đành nhượng bộ lập đền thờ pho tượng này ở cách bến tàu không xa. Các đơn vị lúc đến đồn trú hay trước khi rời đảo ra đi đều có làm heo gà tế lễ rất trọng thể xem như vị thần bảo hộ cho đảo. Rằm, mồng một hàng tháng các đơn vị đều có cắt người hương khói trang nghiêm.
Người ta nói rằng trước đây ngay cả người Pháp cũng thường thắp hương cúng thần tượng trong đền này khi đến cũng như lúc ra đi. Dưới bờ biển, ngay trước đền có một đầm nước khá sâu giữa đám san hô, trong đầm này mỗi khi nước rút người ta thường thấy rất nhiều tôm cá, đặc biệt là có một cặp mực nang dài hơn một thước và thật nhiều con sò khổng lồ to lớn hơn những nơi khác rất xa nhưng không ai dám bắt vì e ngại khi nghe người ta bàn tán với nhau rằng đó là cặp ngựa của ngài và những con sò linh thiêng chầu hầu Đức Bà.
Trong trung đội tôi có anh Tế có tiếng là bạo gan, một hôm rắn mắt xuống bắt mấy con sò thật to đưa về cắt gân đem phơi. Từ đó anh đau èo ọp và đâu độ 20 hôm sau thì anh ta chết, ngày nay mộ anh vẫn còn cô quạnh trên đảo vắng.
Người ta bàn tán với nhau là anh bị Đức Bà phạt, nhưng thực ra trong lúc anh đau thì trong đại đội tôi đã có đến mười người dần dần lâm bệnh có triệu chứng như anh, uống thuốc đem theo thứ gì cũng thấy không thuyên giảm. Chúng tôi từ độ ấy sáng nào cũng chăm tập thể thao, nhiều bạn lại rất siêng năng hương khói Đền Đức Bà và cũng từ đấy chúng tôi sống trong phập phồng lo ngại ...
Ba tháng vui vẻ trôi qua nhưng chúng tôi đã sống trong sự ảm đạm và ái ngại từ ngày một số anh em đồng đội chúng tôi lần lượt ngã bệnh. Anh Hương, anh Oanh không còn vui vẻ kể chuyện khôi hài sau các bữa ăn. Anh Minh, anh Lương và anh Thuận biếng đánh đàn, thổi sáo. Anh Đức, một người nhiệt tâm tỷ mỉ sưu tầm công phu các loại vỏ sò, ốc không còn thơ thẩn ven bể nhặt những mẩu vỏ sò, ốc màu sắc rực rỡ như ngày nào. Anh Hinh, anh Mít chuyên viên đi tìm ổ trứng vích trên cát chán nản suốt ngày nằm lên nằm xuống dã dượi.
Anh Tấn, anh Liệu bị bệnh nặng hơn cả, hai chân tê bại, hai ống chân các các ngón chân không cử động được chút nào mặc dù trước đấy đã cố gắng tìm cách ngăn ngừa bằng thể dục, tắm nắng, xoa bóp. Hai anh buồn tủi sống trong tuyệt vọng, vẫn thường nuốt lệ khóc thầm. Anh Hoan, anh Bình, anh Hách hai chân phù thủng, tiểu tiện ít đi. Anh Lân, anh Hiền trước đây là những lực sỹ có hạng lại nổi tiếng là giỏi võ Bình Định một mình địch nổi 10 người nay bỗng mắc chứng nhọc mệt, hồi hộp. Mỗi khi gắng sức làm việc gì là tim đập mạnh, đau ở ngực, thỉnh thoảng còn đau nhói ở tim, dùng đủ mọi thứ thuốc đau tim, bổ tim của ban y tế đại đội mang theo nhưng hoàn toàn vô hiệu. Một số khoảng 20 anh em khác thì sức khoẻ suy nhược, ăn mất ngon, gầy trông thấy hoặc mê mệt ngồi đâu ngủ đấy.
Có một điều lạ là bầy gà còn lại hơn bốn trăm con của chúng tôi trước kia khoẻ mạnh dong dảy nay cũng thấy nhiều con mắc bệnh biếng ăn thường nằm tựa mình vào thành chuồng như thể chân bị đau, cánh xệ, nếu xua đuổi làm cho chúng hoảng sợ chúng run rẩy đứng dậy đi vòng quanh chuồng loạng quạng và xiêu té. Năm bảy hôm sau những con gà ấy bị tê liệt không đi được nữa và chẳng bao lâu thì chết. Chúng tôi bàn tán với nhau có lẽ khí hậu trên đảo không hạp với người ở đất liền và khắc khoải trông đợi cho chóng đến ngày trở về Đà Nẵng.
Kỳ sau: Ông khách lạ kỳ dị
........
Phần II: NGƯỜI KHÁCH LẠ KỲ DỊ
Ngày nối ngày lặng lẽ trôi cho đến một buổi trưa kia có một chiếc ghe buồm cỡ nhỏ cập bến. Thuỷ thủ và khách khách vỏn vẹn chỉ có một người trạc độ 40, mặt mày thông minh và rắn rỏi. Ông ta trình giấy tờ và tự giới thiệu bằng tiếng Việt ông ta tên Kimura, một nhà nghiên cứu về hải tảo học, có bằng Tiến sỹ vạn vật học, hằng năm thường đi khắp các đảo ở Thái Bình Dương để khảo sát liên quan giữa khí hậu và sự nảy nở các loài rong biển.
Ông ta cho biết hồi năm 1943 ông ta đã từng trú ngụ 3 năm tại Đông Dương để nghiên cứu về thảo mộc ở đây. Sau khi xem xét giấy tờ và kiểm soát ghe buồm chúng tôi hân hoan tiếp nhận người khác ngoại quốc mới.
Ngoài những giờ nghiên cứu rong rêu chung quanh đảo ông ta sống gần gũi thân mật với chúng tôi nhưng có một điều mời ông ta ăn chung với chúng tôi thì ông ta nhã nhặn từ chối và hằng ngày tự kiếm củi rồi xuống ghe lấy gạo lên thổi cơm ăn lấy một mình với một vài món ăn rất thanh đạm như rau cỏ hoang hái trong rừng hoặc rong bể nhặt ở quanh đảo xào với dầu và muối hoặc luộc ăn với tương hoặc sì dầu gì đó. Những món gà vịt hoặc tôm cá bắt được chúng tôi biếu ông ta thỉnh thoảng chỉ ăn chút ít thôi.
Một buổi sáng nọ, nhân lúc đưa ông ta đến xem trại chăn nuôi của chúng tôi, thiếu uý Hoan than phiền khí hậu ở trên đảo không được tốt lành, gà vịt và người ta ở lâu đều dần dần bị nhiễm khí độc của phong thổ rồi ngã bệnh. Ông ta nghe vậy tỏ vẻ đặc biệt lưu ý đến những con gà bệnh và sau một hồi xem xét kỹ lưỡng bệnh trạng từng con một, thức ăn và phẩn của chúng, ông ta ngỏ ý muốn chữa bệnh cho đàn gà xơ xác hiện có nhiều con dở sống dở chết vì chứng lơ ăn, thủng và bại. Dĩ nhiên là chúng tôi vui vẻ nhận lời, thêm vào đó óc tò mò muốn xem thử thuốc men của Nhật thần hiệu đến mức nào? Ông ta chọn ngay 10 con gà lớn có, nhỏ có, bệnh tình trầm trọng nhất, nhốt riêng một nơi và vội vã xuống ghe mang lên một chiếc hộp giấy bên trong có chừng 3 lon gạo bốc từng nắm nhỏ cho lồng gà bệnh nặng đó ăn dần cho đến khi no. Chúng tôi đợi ông ta cho gà uống thuốc xem thử thuốc gì nhưng chẳng thấy ông ta làm gì khác hơn. Chúng tôi hỏi thì ông ta chỉ mỉm cười trả lời đây là thứ gạo đặc biệt được chế luyện sẵn thuốc bên trong rồi. Chúng tôi động hiếu kỳ xúm nhau vốc mỗi người một ít để quan sát thì thấy đấy chỉ là một thứ gạo đen điu chưa giã, ngửi xem thì cũng chẳng thấy có mùi thuốc men gì lạ, có người đánh bạo mum ít bột nếm thử cũng không thấy hương vị cay đắng chi đặc biệt.
- Xin các bạn yên lòng đợi kết quả, sớm thì độ 4,5 giờ sau, mà có chậm lắm thì một hai hôm là cùng. Ông Kimura hình như nhận thấy sự hoài nghi trong thái độ của chúng tôi nên đã nói với chúng tôi như vậy.
Chúng tôi giải tán chờ xem kết quả, còn ông khách Nhật thì mang số gạo còn dư lủi thủi xuống ghe.
Trưa hôm ấy tôi đang ngủ ngon giấc thì anh thượng sỹ Đính đến gọi giật giọng đánh thức tôi dậy:
- Ê, Hùng dậy xem! Có lẽ thằng cha Nhật đó khai gian nghề nghiệp rồi.
Tôi giật bắn mình ngồi dậy hốt hoảng hỏi:
- Gián điệp hả? Đến dọ thám đơn vị ta à? Tóm được tài liệu rồi sao?
Anh Đính chậm rãi đáp:
- Không phải vậy. Thằng cha Nhật đó có lẽ là bác sỹ thú y. Mới hồi sáng đến giờ mà mấy con gà mạnh cả rồi, chỉ có mấy tiếng đồng hồ sau khi ăn gạo của ông ta, các con gà đau gần chết bây giờ đều đứng dậy chạy quanh chuồng bằng chính cặp chân đã tê liệt bại xuội mấy hôm nay.
- Chỉ có thế mà làm người ta hoảng hồn!
Tôi theo anh Đính xuống chuồng ga và tuy đã nghe nói trước vẫn không khỏi ngạc nhiên thấy bầy gà liệt nhược xơ xác hồi sáng bây giờ bỗng trở nên tươi tỉnh và đi lại xung xăng quanh lồng. Thế rồi người này gọi người kia, chẳng bao lâu gần hết cả đại đội tôi đều đổ xô xúm đến xem phép lạ. Mọi người bàn tán rất nhiều mỗi người một câu ca tụng người Nhật thông minh hơn Tây và thuốc Nhật thần diệu! Trung uý đại đội trưởng ngỏ ý mua thêm một ít gạo quý giá kia để dự trữ và chữa cho những con gà khác đang đau. Ông Kimura vui vẻ tặng một bao lớn khẳn kín trong giấy ny lông và ba hôm sau thì tất cả những con gà bệnh đều lần lượt lành mạnh lại hết.
Nhớ lại câu chuyện này về sau hồi năm 1969, tôi có nuôi mấy chục con gà Mỹ cứ bệnh chết dần cho uống thuốc trụ sinh đủ thứ mà không bớt. Sau tôi thử dùng thứ gạo này thì quả nhiên một số lớn được cứu sống.
Bệnh quỷ thuốc tiên
Trong bữa ăn thân mật tổ chức để tỏ lòng cám ơn, lúc truyện trò anh Đờn đã kể tình trạng bệnh tật đang bành trướng trong đơn vị chúng tôi và hỏi ý kiến ông Kimura về cách chữa trị. Sau một hồi suy nghĩ, ông ta xin đến thăm các bệnh nhân và ngỏ ý nhận chữa những anh em nào tình nguyện chịu chữa theo phương pháp đặc biệt của ông ta. Trung uý đại đội trưởng ban đầu có đôi chút đắn đo về trách nhiệm nhưng sau đó thì đổi ý vui vẻ nhận lời. Anh Tấn và anh Liệu bị tê bại đang sống trong tuyệt vọng nghe vậy giơ tay tình nguyện lập tức, anh Bình, anh Hiền sau một phút do dự hỏi ý kiến nhau cũng xin chữa trị.
Ông Kimura lại xuống ghe và lễ mễ mang lên một bao gạo chừng 10 kí lô, một gói mè và một chai tương nhỏ. Chúng tôi bu quanh để xem ông trị bệnh.
- Trưa ôm nay tôi phải nấu và ăn ở đây một bữa để các bạn tập nấu và tập ăn cho đúng cách. Đây là lối thực tập để trị bệnh cho đúng phép.
- Ăn mà cũng phải tập nữa sao bác sỹ? Chắc sau khi ăn bác sỹ còn châm cứu cho bệnh nhân?
- Cần lắm chứ, người ta sở dĩ bệnh tật là vì cẩu thả trong cách ăn uống. Tôi không dùng đến khoa châm cứu để trị bệnh ở đây.
Thế rồi ông ta đong ba lon gạo, đích thân vo gạo, đổ nước bắc lên bếp. Ông giảng giải: "Gạo này vì không giã, nấu hơi lâu chín nên phải đổ nước nhiều hơn". Lúc cơm sôi một chốc ông đổ vào một muỗng muối sống. Cơm cạn ông đậy nắp thật kín, bớt lửa, gạt than và để trên bếp hơn nửa giờ sau mới duông xuống. Thức ăn thì có muối mè, một nhúm ray luộc chấm với nước tương. Trước khi ăn ông giải thích: "Điều quan trọng nhất trong cách ăn để chữa bệnh này là phải nhai thật kỹ, nhai 100 lần một búng cơm, chờ cơm biến ra nước hồ mới nuốt". Và bữa cơm thực tập đó bắt đầu, tuy thức ăn đạm bạc nhưng bốn bệnh nhân vui vẻ vì có ông khách bác học kia cùng tham dự, chung quanh lại có bạn bè tò mò lại xem. Cơm ít lại lạ miệng người nào cũng khen ngọt, béo ngon và ăn xong vẫn thấy còn thèm ăn nữa. Trước khi ra về ông Kimura dặn kỹ là ngoài bữa ăn không được ăn bất cứ thức gì khác và trong những bữa ăn sau không được ăn quá no dù là nhai kỹ ...
Ba ngày trôi qua, phép lạ đã xuất hiện, hai chân anh Bình đã hết thủng; đến ngay thứ năm thì anh Hiền vui vẻ trở lại không còn mệt nhọc và hồi hộp nữa. Sáng hôm đó anh thử đi lại một bài quyền và cảm thấy đã bắt đầu phục hồi phong độ cũ. Mọi người đều có nhận xét như nhau là đi đại tiện rất tốt và ngủ rất ngon giấc. Anh Liên tê bại xem mòi bệnh trạng nặng hơn cả nhưng đến ngày thứ 7 thì cũng đã đứng dậy đi lại nhúc nhắc trong phòng, anh Tấn như được khuyến khích, đến sáng ngày thứ 9 cũng bắt đầu cử động được các ngón chân và đến chiều thì anh sung sướng đứng dậy nốt. Kết quả trọn vẹn xảy ra như một phép lạ.
Chúng tôi trong thâm tâm ai cũng muốn hỏi cách tẩm luyện thứ gạo huyền diệu này nhưng nghĩ rằng người ta ai lại dại gì mà chịu truyền bí quyết quý giá đó nên không hỏi nữa. Gạo quý chỉ còn độ 3 kí lô. Anh Hoan, anh Hách, anh Luân và độ 20 anh em khác sững sờ lo âu và hối tiếc bỏ mất dịp may. Ngày mốt ông Kimura sẽ từ biệt để đến khảo cứu các thứ rong biển lạ ở đảo Lô be cách đảo này chừng 2 hải lý về phía Tây Nam. Vị cứu tinh đi rồi, ai sẽ cứu chữa cho các người bạn chúng tôi đang đau?
Trước khi ra đi, trong lúc dự bữa tiệc tiễn đưa, ông Kimura mới tiết lộ cho chúng tôi biết rằng thứ gạo quý giá trị bệnh lâu nay không hề có tẩm luyện thuốc men gì cả. Nó chỉ được tẩm luyện bằng khí âm dương của Trời Đất, nó là thứ gạo thiên nhiên nguyên vẹn, không giã bỏ phần cám bên ngoài, nó là gạo lứt. Chúng tôi há hốc mồm ngạc nhiên, nhưng ông mỉm cười cho chúng tôi biết rằng đây là phương pháp trị bệnh do một vị thánh y Nhật tên Ohsawa phát minh, có khả năng chữa lành tất cả mọi bệnh nan y như ung thư, đau tim, phong cùi, huyết áp cao, lao, điên ...vv Những bệnh các bạn tôi hiện mắc chỉ là những bệnh rất tầm thường mà người Nhật gọi là bệnh Kakke mà tại các trại binh, nhà tù, cô nhi viện, ký túc xá học sinh thường mắc phải. Và ông kết luận một cách rất buồn bã rằng từ ngày hấp thụ văn minh Âu - Mỹ, ở Á Đông ta đã đi trái thiên nhiên vì vô ý thức ăn gạo máy cho nên bao nhiêu trẻ sơ sinh đã chết bất thình lình trong vòng tay người mẹ, bao người trẻ trung mắc những bệnh nan y và người già cả bị phù thủng hay tê liệt hoặc mắc ác bệnh do tê liệt thần kinh vì đã dại dột không biết mà bỏ lớp vỏ lụa quý giá bên ngoài của hạt gạo làm khiếm khuyết sự toàn thể của hạt gạo thiên nhiên, và làm chênh lệch mức quân bình âm dương của thức ăn quý giá Trời đã ban cho loài người.
Ông lại biếu cho đơn vị chúng tôi thêm 50 ki lô gạo lứt để chữa nốt cho những anh em đang bệnh và từ giã đảo trước sự luyến tiếc của chúng tôi, nhưng hình ảnh vĩnh viễn ghi sâu trong tâm khảm chúng tôi từ ngày ấy.
Ngày về
Nửa tháng sau, tất cả anh em trong đơn vị chúng tôi đều được khoẻ mạnh, gạo lứt cũng vừa hết và hai hôm nữa thì đúng bốn tháng là ngày chúng tôi xuống tàu trở về Đà Nẵng, tiếp tục cuộc đời chinh chiến, nhường đảo lại cho một đơn vị bạn tạm dừng bước nghỉ ngơi...
Kỷ niệm xưa mờ trong ký ức dày đặc khói lửa chiến tranh. Mới đây nhân tình cờ xem tác phẩm "Zen và Dưỡng sinh" nói về phương pháp ăn gạo lứt của giáo sư Ohsaza, lại nhân xem bản báo cáo đăng trên tạp chí California Tomorrow công bố dưới nhan đề "Tàn phá Đông Dương - di sản của sự có mặt của chúng ta" của một phái đoàn bác học thuộc Đại học đường Stanford tuyên bố rằng đất đai Việt Nam bị chai cứng trong nhiều năm vì thuốc khai quang. Bản báo cáo còn cho biết: "Khi chiến tranh kết thúc, sự khắc khổ mới chỉ bắt đầu". Tôi sực nhớ lại những ngày thân thương trên đảo vắng, hy vọng nếu có đọc giả quân nhân nào có dịp đi trú đóng dài hạn ở đảo Hoàng Sa hoặc một chốn xa xăm nào nhiều lam sơn chướng khí nên nhớ mang theo một ít gạo lứt của quê hương để phòng thân khỏi lo ốm đau khi xa người thân quyến./.
...........
* Cập nhật 2/9/2019: Thêm một nhân chứng sống là người VN từng sống ở Hoàng Sa năm 1939
Trong phần giới thiệu bài viết này, tôi từng bày tỏ mong muốn "sẽ thật đặc biệt, biết đâu đấy, nếu tình cờ chú bác nào đọc bài viết này lại chính là một thành viên trong đại đội giữ đảo năm ấy". Thì thật thú vị, khi hôm nay tôi tình cờ đọc một bài viết trên báo Người Lao Động, nói về một nhân chứng sống từng sống trên đảo Hoàng Sa - thời điểm năm 1939 - 1940, đó là gia đình bác Trần Quân Bảo. Nội dung bài báo tôi tóm lược gọn lại như sau:
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có cuộc gặp gỡ nhân chứng từng sống ở quần đảo Hoàng Sa trong 2 năm 1939-1940 vào ngày 2/9/2019. Đó là ông Trần Quân Bảo.
Ông Trần Quân Bảo kể rằng cha của mình là Trần Văn Phước, sinh năm 1906. Ông Phước học tại trường Kĩ nghệ Sài Gòn chuyên ngành vô tuyến điện. Khi ra trường ông Phước được phân công về công tác tại cơ quan hàng hải thuộc chính quyền Pháp.
Năm 1939, ông Trần Văn Phước được cử ra phụ trách trạm vô tuyến
điện ở Hoàng Sa. Khi đó, ông Phước cho biết có nguyện vọng đưa cả vợ và 3 con
ra đảo. Người Pháp đã đồng ý và gia đình ông Trần Văn Phước đã ra phụ trách
trạm vô tuyến điện ở Hoàng Sa trong 2 năm (1939-1940).
Khi ấy bác Trần Quân Bảo (sinh năm 1934, mới 5 tuổi) đã cùng đi với cha mẹ ra Hoàng Sa. Bác Bảo nhớ rằng: "Khi đó trên đảo có một trung đội lính khố xanh, đồn trưởng là lính lê dương. Có khoảng hơn 40 người lao động khổ sai làm đường, xây lắp nhà cửa, làm cầu cảng... Công chức làm việc trên đảo có nhân viên vô tuyến điện, nhân viên khí tượng và 1 y sĩ. Cuộc sống ở trên đảo có khó khăn, nhưng thực phẩm vẫn được cung cấp theo thực đơn hàng tuần".
Qua câu chuyện trên, lại thêm một bằng chứng cho chúng ta thấy rõ rằng QUẦN ĐẢO HOÀNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM, ĐÃ BỊ BỌN TÀU CHIẾM LẤY vào ngày 19/1/1974.
Khi ấy bác Trần Quân Bảo (sinh năm 1934, mới 5 tuổi) đã cùng đi với cha mẹ ra Hoàng Sa. Bác Bảo nhớ rằng: "Khi đó trên đảo có một trung đội lính khố xanh, đồn trưởng là lính lê dương. Có khoảng hơn 40 người lao động khổ sai làm đường, xây lắp nhà cửa, làm cầu cảng... Công chức làm việc trên đảo có nhân viên vô tuyến điện, nhân viên khí tượng và 1 y sĩ. Cuộc sống ở trên đảo có khó khăn, nhưng thực phẩm vẫn được cung cấp theo thực đơn hàng tuần".
Qua câu chuyện trên, lại thêm một bằng chứng cho chúng ta thấy rõ rằng QUẦN ĐẢO HOÀNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM, ĐÃ BỊ BỌN TÀU CHIẾM LẤY vào ngày 19/1/1974.
Không chỉ vậy, hiện nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay còn không ngừng gây
sức ép, trắng trợn tuyên bố toàn bộ quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng là của
chúng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét