Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Hương ước



Hương ước (điều lệ, quy ước, hay lệ làng)  là văn bản quy phạm xã hội chứa đựng các quy tắc xử sự chung do thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận đặt ra nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc phạm vi tự quản tại cộng đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Sau đây là Hương ước của thôn An Giạ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

(Hương ước này đã được nhân dân thôn An Giạ, xã Triệu Độ nhất trí thông qua tại cuộc họp ngày 24-06-2001. Có hiệu lực thi hành theo thời gian do chủ tịch UBND huyện Triệu Phong quy định tại quyết định phê duyệt Hương ước - Tháng 07/2001 )


BẢN HƯƠNG ƯỚC CỦA THÔN AN GIẠ, XÃ TRIỆU ĐỘ

Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" do Chính Phủ phát động, nhân dân Thôn An Giạ ây dựng Hương ước này nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm. Xây dựng An Giạ thành thôn văn hóa.
Chương 1: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN AN GIẠ
Điều 1: Thôn An Giạ là một cộng đồng đông dân cư, gắn bó với nhau bằng tình làng nghĩa xóm. Là nơi thực hiện quy chế dân chủ rộng rãi, trực tiếp, nhằm thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giải quyết các công việc trong nội bộ dân cư của thôn: đảm bảo khối đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng cuộc sống mới.
Điều 2: Nhân dân thôn An Giạ có trách nhiệm bầu trưởng thôn theo quy định của Nhà nước. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, trưởng thôn chịu trách nhiệm vận động, tổ chức nhân dân thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và Hương ước của thôn.
- Trưởng thôn phối hợp với tổ chức mặt trận, các tổ chức kinh tế, đoàn thể quần chúng để đẩy mạnh các hoạt động trong thôn, nhằm nâng cao đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Điều 3: Hàng năm, trưởng thôn triệu tập và chủ trì hội nghị nhân dân 2 lần vào đầu năm và cuối năm để bàn và quyết định những vấn đề sau đây:
- Xây dựng chương trình hành động của thôn.
- Quyết định mức mỗi hộ gia đình nộp cho ngân sách của thôn hàng năm.
- Quyết định chi ngân sách của thôn trong năm.
- Kiểm điểm những người có hành vi vi phạm Hương ước.
- Tổng kết công tác thi đua khen thưởng.
Chương 2: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Điều 4: Tổ chức, gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất phải sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, tuân thủ sự điều hành về quy trình sản xuất của các cơ quan có thẩm quyền.
Điều 5: Mọi người trong thôn phải có kế hoạch sản xuất và phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Điều 6: Thôn cấm mọi người cư trú trong thôn thực hiện các hành vi sau đây:
+ Đào bới, vận chuyển đất thuộc quyền sử dụng của người khác trái phép.
+ Đào bới đất trái phép hai bên lề đường, bờ mương thủy lợi, bờ vùng bờ thửa, nghĩa địa, các công trình phúc lợi công cộng, nơi di tích lịch sử.
+ Xây nhà ở, lều quán trên đất chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Điều 7: Mọi người trong thôn phải có trách nhiệm đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, tu sửa và bảo vệ các công trình phúc lợi công cộng như: Đường giao thông, cầu cống, mương thủy lợi và các di tích lịch sử của thôn.
- Chiều rộng các tuyền đường trong thôn được quy định như sau:
+ Đường liên xã rộng 7 mét.
+ Đường kiệt xóm rộng 4,5 mét.
Đường kiệt xóm nào thì xóm đó tự bảo vệ và tu sửa nhỏ.
- Cấm lấn chiếm lòng, lề đường và hành vi cản trở việc tu sửa đường hàng năm của thôn.
- Cấm các loại xe cơ giới bánh sắt chạy trên đường bê tông.
- Các gia đình có xe cơ giới như xe công nông, máy cày, hoạt động trên đường của thôn, hàng năm phải đóng góp kinh phí để thôn tu sửa, bảo dưỡng đường, theo mức do hội nghị nhân dân thảo luận và quy định.
Chương 3: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ VĂN HÓA - XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 8: Tổ chức, gia đình, cá nhân đang cư trú trên địa bàn của thôn đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, phải hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước, tích cực thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" Nhằm đạt 5 tiêu chuẩn thôn văn hóa và 4 tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Thôn cấm mọi hành vi gây chia rẽ, làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Điều 9: Mọi người phải có tinh thần đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thực hiện trên thuận, dưới hòa, kính già, yêu trẻ, chăm sóc người già.
Trong gia đình cha mẹ phải chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Con cháu phải giữ đạo hiếu nghãi với người thân, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, thực hiện tốt chính sách dân số KHHGĐ, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1 đến 2 con. Cấm các hành vi ngược đãi lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Điều 10: Việc tổ chức lễ, lễ hội, thôn quy định như sau:
1 - Hàng năm thôn tổ chức các lễ hội truyền thống theo ngày tháng âm lịch như sau:
+ Lễ giỗ vị Tiền khai khẩn và các vị Tiền bối vào ngày 16 tháng 2 và 16 tháng 8
+ Lễ đại hội Kỳ an tại Đình vào ngày 16 tháng 6.
+ Lễ tại Miếu Hội đồng vào ngày 15 tháng 7
+ Lễ Cầu an ngày 04 tháng 7
+ Việc Tảo mộ thôn quy định 3 năm 1 lần, từ ngày 01 đến ngày 06 tháng 6.
Các lễ hội trên toàn dân phải có nhiệm vụ tham gia, đồng thời thông báo cho con cháu xa quê hương biết cùng về tham dự.
2 - Việc hôn nhân phải thực hiện đúng theo luật hôn nhân và gia đình. Tổ chức lễ kết hôn phải lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình.
3 - Việc tổ chức sinh nhật, ngày giỗ, hoặc các ngày lễ kỷ niệm đều phải đảm bảo yêu cầu tiến bộ, tiết kiệm, vệ sinh, không phô trương lãng phí.
4 - Quy định tổ chức tang lễ trong thôn như sau:
a) Mọi người trong thôn phải có nghĩa vụ thăm viếng, giúp đỡ gia đình có tang và đưa tiễn người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng.
b) Người chết được khâm liệm trong vòng 8 giờ và được an táng trước 48 giờ, kể từ khi chết.
- Những người chết do bị sát hại, tự tử, hoặc bị bệnh truyền nhiễm thì thân nhân người chết hoặc người phát hiện phải chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc: Bảo vệ hiện trường, báo cáo cơ quan có thẩm quyền thời gian khâm liệm, mai táng.
c) An táng, cát táng và xây lăng cho người chết tại nghĩa địa của thôn.
- Cấm an táng, cát táng, xây lăng cho người chết trên đất ở, đất đang sản xuất và đất không phải quy hoạch nghĩa địa.
- Việc quy hoạch mồ mả về nghĩa địa, các gia đình tự quy hoạch theo quy định của thôn.
- Gia đình có tang không tổ chức bữa ăn cho người đến phúng viếng - trừ những người phục vụ trực tiếp lễ tang.
Điều 11: Mọi người trong thôn phải có kế hoạch thiết thục để bảo vệ môi trường cảnh quan sạch đẹp. Gia đình nào cũng phải có các công trình: Hố tiêu, hố tiểu, hố xử lý chất thải hợp vệ sinh, thường xuyên khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, làm vệ sinh trong khuôn viên nhà ở và đường quanh nhà sạch sẽ. Thôn cấm mọi người đổ nước thải sinh hoạt, xác súc vật chết ra đường, nơi công cộng.
Không trồng tre dọc đường cái, đường kiệt hoặc trồng cây gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống các đường dây tải điện, trạm biến áp và kênh mương thủy lợi.
Điều 12: Thôn khuyến khích mọi gia đình phát triển chăn nuôi, nhưng cấm chủ nuôi để gia súc, gia cầm gây thiệt hại các loại cây trồng hoặc tài sản của nhân dân.
- Tất cả các loại vật nuôi phải được tiêm phòng dịch bệnh theo quy định của cơ quan Thú y.
- Cấm mọi người trong và ngoài thôn di chuyển súc vật bị bệnh từ nơi khác về thôn An Giạ tiêu thụ.
Chương 4: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ AN NINH TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI TRONG THÔN
Điều 13: Mọi người trong thôn phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước về đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, khai sinh, kết hôn, tạm trú, tạm vắng. thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ công dân đối với tập thể, nhà nước như: Nộp thuế, lao động công ích, nghĩa vụ quân sự và các khoản dịch vụ của HTX.
Điều 14: Thôn cấm mọi người đang cư trú trong thôn thực hiện các hành vi sau đây:
- Tàng trữ, sử dụng các loại văn hóa phẩm chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt.
- Các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội như: Nghiện hút, mại dâm, say rượu bia, gây rối trật tự an toàn xã hội. Trộm cắp, mê tín dị đoan.
- Dùng chất nổ, điện và các chất độc khác để đánh bắt thủy sản trên địa bàn thôn.
- Tuyên truyền, xuyên tạc, thông tin sai sự thật, gây hoang mang, chia r nội bộ nhân dân.
- Gây tiếng động lớn, làm ồn ào huyên náo trong giờ nghỉ đêm của mọi người từ 22 giờ đến 5 giờ sáng.
- Phơi rơm rạ, để chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông.
Điều 15: Khi có thiên tai hỏa hoạn, những người có điều kiện cứu hộ phải thực hiện nhiệm vụ ứng cứu nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
- Cấm hành vi lợi dụng thiên tai để trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Chương 5: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16: Hương ước này được hội nghị nhân dân nhất trí thông qua tại cuộc họp ngày 24/06/2001 và có hiệu lực thi hành theo thời gian do chủ tịch UBND huyện Triệu Phong quy định tại quyết định phê duyệt Hương ước.
- Mọi người trong thôn có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh Hương ước này.
Điều 17: Tổ chức, gia đình, cá nhân thực hiện tốt Hương ước này sẽ được biểu dương, khen thưởng tại các hội nghị của thôn hàng năm. Người nào vi phạm Hương ước gây thiệt hại cho người khác thì tùy theo mức độ sai phạm thôn sẽ giải quyết bằng các hình thức sau:
- Phê bình, kiểm điểm, khiển trách trước hội nghị nhân dân.
- Hòa giải, đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các nghành liên quan tại địa phương lập biên bản vi phạm, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều 18: Việc bổ sung, sửa đổi Hương ước phải được hội nghị nhân dân trong thôn nhất trí thông qua và chỉ khi được chủ tịch UBND huyện phê duyệt mới có hiệu lực thi hành.
An Giạ, ngày 24 tháng 6 năm 2001
TM/ TỔ CHỨC ĐẢNG, MẶT TRẬN VÀ NHÂN DÂN THÔN AN GIẠ
TM/ CHI ỦY - Bí thư Lê Hồng Thanh đã ký
ĐẠI DIỆN MẶT TRẬN Lê Tải đã ký
TRƯỞNG THÔN Đoàn Trường Chinh đã ký
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét