Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Tư liệu quý: Bốn tháng trên đảo Hoàng Sa


Hồi ký của Hoa Nghiêm/ 
Tạp chí Thời Nay (1972)

Hồi ký hấp dẫn dưới đây nói về một cuộc trú đóng luân phiên 4 tháng, canh giữ bảo vệ đảo Hoàng Sa, của một đại đội thuộc quân đội Việt Nam (Miền Nam trước năm 1975),  khoảng đầu những năm 1960. Một câu chuyện chân thật, thú vị, giúp chúng ta hình dung được trên đảo Hoàng Sa từng có những loài sinh vật nào, những ai ở trên đó? một ngôi đền thiêng với pho tượng phật bằng đồng đen, nỗi hoảng sợ khi rất nhiều người đổ bệnh, sự xuất hiện đến khó tin của một vị khách người Nhật trên chiếc ghe nhỏ bé và liều "thuốc quý" của ông ...vv. Và trên hết, là sự bình thường giản dị, nhưng trong sáng, hy sinh và cao cả biết bao - trong trọng trách gìn giữ lãnh thổ thiêng liêng của những người lính Miền Nam ngày trước. Đây là một trong số khá hiếm những bài viết về đảo Hoàng Sa từng xuất bản. Tôi tin rằng những người từ 50 tuổi sẽ thích bài viết này. Và sẽ thật đặc biệt, biết đâu đấy, nếu tình cờ chú bác nào đọc bài viết này lại chính là một thành viên trong đại đội giữ đảo năm ấy.  

<< (ảnh chụp bài viết trên bán nguyệt san Thời Nay số 284 (1972))


Hồi ký "Bốn tháng trên đảo Hoàng Sa" được đăng trên bán nguyệt san Thời Nay số 284, xuất bản ở Miền Nam năm 1972. Tôi có duyên mua được số báo này tại một nhà sách cũ ở Sài Gòn gần đây. Thời Nay nguyên là một tạp chí tư nhân nổi tiếng, chuyên viết về văn hoá - lịch sử, thành lập từ năm 1959 ở Sài Gòn, chủ bút là ông Nguyễn Văn Thái.

Ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã bất ngờ đổ quân đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Hải chiến Hoàng Sa). Mặc dù những người lính phía Việt Nam đã anh dũng chiến đấu hy sinh, nhưng do yếu thế hơn về tương quan lực lượng, nên chúng ta đã mất Hoàng Sa từ ngày ấy. Cũng từ ấy đã không còn dấu chân người Việt đi tuần tra trên đảo Hoàng Sa như trong hồi ký này nữa. Gần 50 năm đã trôi qua, ngày nay bọn Trung Quốc đã xây dựng sân bay, bến tàu và thành lập "thành phố" ở đảo Hoàng Sa và  đang dã tâm thực hiện tham vọng bành trướng chiếm gần trọn biển Đông, bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Liệu chúng ta có quyền hy vọng một ngày nào đó con cháu đời sau sẽ lấy lại được Hoàng Sa về với đất mẹ?

...............



Một quân nhân ghi lại những ngày nhọc nhằn lẫn thích thú khi theo gót Lỗ Bình Sơn sống một thời gian trên hòn đảo hoang vắng "tạo thời cuộc". Thời Nay đăng thiên hồi ký hấp dẫn này thành hai kỳ hiến bạn đọc. (Ghi chú: Lỗ Bình Sơn là nhân vật văn học Robison Crusoe)

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Hậu Giang ngày trở lại


20 năm trước Hậu Giang (trước giải phóng còn gọi là tỉnh Chương Thiện) với tôi chẳng hề xa lạ gì, Vị Thanh, Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A… rất thường đi. Đi học tôi qua, đi chơi tôi qua, kiếm bữa lót dạ cũng qua. 
Ngày ấy Gò Quao nơi tôi công tác rất thưa người, hoạt động buôn bán kinh doanh chưa phát triển nhiều, hàng quán ít ỏi chỉ bán buổi trưa, buổi chiều phải tự túc có gì ăn nấy. Tôi không quen tự nấu ăn, ăn qua loa thì không đảm bảo sức khỏe, thế là nhiều buổi chiều đi về Vị Thanh hơn 40km chỉ để… có bữa ăn no, thậm chí lúc về trời tối vắng vẻ, dạn dĩ vượt sông Cái Tư bằng đò ngang. Vị Thanh lúc đó chỉ là 01 thị trấn nhỏ vừa chuyển mình thành thị xã, đường xá chưa nhiều, nhà cửa nho nhỏ, hàng quán cũng chỉ hơn Gò Quao chút ít, Điện lực tỉnh bé xíu, Tòa án khi ấy là 01 căn nhà cấp 4 xập xệ… rất bình yên, ít cảnh ồn ào của phố thị. Dù sao, một phần đời của tôi đã dừng ở đây, chợt đồng cảm với Tiếng hát con tàu, với Chế Lan Viên:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn
Trong chuyến công tác lần này tôi đã có dịp trở lại Hậu Giang. Ngày trở lại hôm nay TP. Vị Thanh đã thay đổi rất nhiều, đẹp hơn, khang trang hơn bội phần xứng đáng vị thế tỉnh lỵ trung tâm vùng đồng bằng. Bâng khuâng, bồi hồi với những cảm giác xưa, kỷ niệm cũ chợt ùa về, tôi đang ở đây, còn người xưa đâu?
P/S ảnh: Xa xa bên kia đường là Tòa án và Viện kiểm sát tỉnh Hậu Giang tại TP. Vị Thanh;
Bình yên một vùng quê… An Biên – Kiên Giang dịp lễ Hòa bình 30/4