02
câu chuyện quá hay, tôi xin phép chia sẻ trên blog của mình
Trên mạng Wechat ngày
11 tháng 10 có đăng tải một bài viết với tiêu đề “Câu chuyện chân thực
của một cậu bé người Mỹ và một bà mẹ người Mỹ: Xem xong sẽ làm bạn mất ngủ cả
đêm”.
Ngôi mộ hàng xóm của
Tổng thống Grant
Bên bờ sông Hudson ở
New York, cách lăng mộ của vị Tống thống đời thứ 18 của nước Mỹ Ulysses S.
Grant chưa tới 100 mét, có một ngôi mộ của một cậu bé. Bên cạnh ngôi mộ có một
tấm biển bằng gỗ, ghi lại một câu chuyện như sau:
Ngày 15 tháng 7 năm
1797, có một cậu bé 5 tuổi bất hạnh bị rơi xuống vách núi và tử vong. Cha mẹ
cậu bé vì quá đau thương, tuyệt vọng nên đã xây một ngôi mộ ngay ở cạnh nơi cậu
bé đã qua đời.
Sau đó vì tình hình
kinh tế gia đình khó khăn, cha cậu bé đã bất đắc dĩ phải chuyển nhượng mảnh đất
này, tuy nhiên, bản hợp đồng có kèm theo một yêu cầu đặc biệt cho người chủ
mới: Hãy vĩnh viễn lưu giữ lại phần đất nơi đặt ngôi mộ của cậu bé.
Người chủ nhân mới
đồng ý với điều kiện này và viết nó vào trong điều khoản hợp đồng. Đã 100 năm
qua đi, mảnh đất này chuyển đổi bán cho rất nhiều người, nhưng phần mộ của cậu
bé vẫn được giữ nguyên ở đó.
Ngôi mộ của cậu bé bất
hạnh. (Ảnh: biography.com)
Năm 1897, mảnh đất
được lựa chọn để đặt làm lăng mộ yên nghỉ của Tổng thống Ulysses S. Grant,
nhưng điều khiến nhiều người xúc động hơn nữa là mộ phần của cậu bé vẫn được
giữ lại ở đó và trở thành lăng mộ hàng xóm của Tổng thống Grant.
Lại 100 năm nữa qua
đi, đến tháng 7 năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 100 năm nhân ngày xây dựng lăng mộ
của Tổng thống Grant, thị trưởng thành phố New York đã tới đây để tưởng nhớ ông
đồng thời cho tu sửa lại phần mộ của cậu bé. Chưa dừng lại ở đó, ông còn đích
thân tự tay viết câu chuyện này lên phần mộ của cậu bé để nó có thể lưu truyền
lại đời đời cho hậu thế.
Một hợp đồng kéo dài 200 năm đã cho chúng ta
thấy một đạo lý làm người rất đơn giản: Khi đã hứa, nhất định phải giữ lời.
Câu chuyện về một bà
lão
Mùa đông năm 1935 là
khoảng thời gian mà nền kinh tế của nước Mỹ tiêu điều nhất. Không khí ảm đạm
bao trùm toàn bộ thành phố New York…
Vào một đêm lạnh giá
giữa tháng 1/1935, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất New
York. Đứng ở vị trí thẩm phán là ngài thị trưởng đáng kính của thành phố, ông
Fiorello LaGuardia, và bên dưới bục là một bà lão đã gần 60 tuổi, áo quần cũ
rách cùng với dáng vẻ sầu não. Gương mặt tiều tụy của bà hiện lên vẻ xấu hổ, bà
đã bị buộc tội vì lỡ ăn cắp một ổ bánh mì.
Fiorello LaGuardia hỏi
bà: “Bị cáo, bà bị tố là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?”.
Bà lão cúi đầu, ngập
ngừng trả lời: “Vâng, thưa quý tòa, thực sự tôi có ăn cắp”.
Thẩm phán lại hỏi:
“Động cơ để bà ăn cắp bánh mì là gì, là vì đói quá à?”.
“Dạ vâng”. Bà lão
ngẩng đầu lên, hai mắt nhìn vào vị quan tòa rồi nói: “Nhưng nếu chỉ vì đói thì
tôi đã không làm như vậy, tôi cần bánh mì để nuôi ba đứa cháu đã mất cha mẹ của
mình, đã mấy ngày nay chúng chưa được ăn gì. Chúng thực sự rất đói… Tôi không
thể đứng nhìn chúng chết đói được…” Nói đến đây bà bật khóc.
Sau khi nghe xong
những lời thú tội của bà lão, đám đông trong phòng xử án bắt đầu rì rào bàn
luận. Ngài thẩm phán gõ chiếc dùi xuống bàn, nói một cách nghiêm khắc: “Yên
lặng, sau đây tòa tuyên án”.
Thẩm phán quay sang bà
cụ: “Bị cáo, chúng tôi cần làm việc một cách công bằng, chấp hành theo pháp
luật. Bà có hai sự chọn lựa: hoặc là bị phạt 10 USD hoặc là chịu 10 ngày tạm
giam. Bà chọn cái nào?”.
Bà lão với vẻ mặt đầy
đau khổ và hối hận: “Thưa ngài thẩm phán, tôi phạm tội, tôi chấp nhận chịu
phạt. Nếu tôi có 10 USD thì tôi đã không đi ăn cắp bánh mì. Tôi chấp nhận bị
tạm giam 10 ngày, nhưng ba đứa cháu nhỏ kia của tôi thì ai sẽ chăm sóc chúng
đây?”.
Ngài thị trưởng khẽ
mỉm cười. Ông rút trong túi ra 10 đô-la và bỏ vào chiếc mũ nổi tiếng của mình.
“Đây là 10 đô-la tiền
phạt, bà đã được tự do!”. Nói xong, ông hướng cặp mắt về phía những người đang
tham dự phiên tòa: “Và bây giờ, xin mỗi người hãy nộp 50 cent tiền phạt, đây là
tiền phạt cho sự lạnh lùng của chúng ta, phạt vì chúng ta đã sống ra sao mà để
cho một cụ già đáng tuổi cha tuổi mẹ mình phải đi ăn cắp bánh mì để nuôi cháu”.
Tất cả mọi người trong
phiên tòa đều kinh ngạc, tròn mắt nhìn thị trưởng LaGuardia. Cả phiên tòa bỗng
nhiên yên lặng lạ thường, cảm giác như có một chiếc kim rơi xuống đất cũng có
thể được nghe thấy. Một lát sau, tất cả những người tham dự đều lặng lẽ đứng
dậy, móc trong túi ra 50 cent và để vào mũ của ngài thị trưởng.
Về lý mà nói, việc một
bà cụ già nghèo bị phạt vì tội ăn cắp bánh mì, có liên quan gì tới những người
ngoài khác? LaGuardia đã nói rất rõ ràng – là chi phí phải trả cho sự lạnh lùng
của chúng ta.
Thị trưởng Fiorello La
Guardia (11-12-1882) tại Thành phố New York City, bang New York- Hoa Kỳ. (Ảnh:
wikipedia.org)
Con người ta không
phải là một sinh mệnh cá thể độc lập mà còn có sự tương tác với nhau và phải tự
giác tuân theo những quy ước nhất định thì mới có thể sinh sống một cách hài
hòa. Người biết trân trọng thỏa thuận đó
mới là người cao quý, và người biết trả phụ phí cho sự lạnh nhạt thờ ơ của mình
mới là người sáng suốt.
Thế nhưng con người
trong xã hội hiện nay thật sự quá lạnh lùng tàn nhẫn, và có lẽ đến một lúc nào
đó, chúng ta sẽ phải trả giá cho sự tự tư đó của mình…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét