Thời gian
qua, đi ngang Nhà hàng N.N…, thành phố R chỉ thấy người ta bày bán ở đó cá cảnh
các loại, từ khi nào thương hiệu Nhà hàng N.N… nổi tiếng một thời dần đi vào
quên lãng.
Đây là nhà
hàng có nhiều kỷ niệm nơi diễn ra 02 đám cưới của cả 02 anh em tôi (năm 1998 và
2007). Nhà hàng này diện tích nhỏ tuy nhiên được thành lập khá sớm và nằm ngay
trung tâm thành phố, giá cả vừa phải nên được nhiều đôi uyên ương lựa chọn là
nơi tổ chức sự kiện quan trọng nhất đời và công khai xác nhận khế ước hôn nhân (hợp
đồng) chung sống với nhau đến đầu bạc răng long trước toàn thể thiên hạ (còn ký
khế ước thì tại UBND, tất nhiên rồi!).
Sau này
tình cờ tìm hiểu tôi mới biết nữ chủ nhân đã phải “đáo tụng đình” nhiều lần,
tìm hiểu sâu nội tình thì thấy thật là… đau lòng cho những người trong cuộc và
cho cả những người biết việc.
Tranh chấp
tài sản giữa những người từng là người thân với nhau thì nỗi đau còn nhân lên gấp
nhiều lần, ra tòa ai cũng muốn giành phần thắng, giành phần lợi về phần mình nhưng
vô tình điều đó chà đạp lẫn nhau và chà đạp lên đạo lý dân tộc. Tòa chắc chắn sẽ
xử theo pháp luật, nhưng việc đúng sai của pháp luật đôi khi lại là sự vô tình,
bẽ bàng cho cả người thắng kẻ thua.
Ai cũng bảo
rằng mình đúng, có những sự việc chỉ người trong cuộc, họ hàng làng xóm biết
nay tung hê lên, phản bác nhau gay gắt, lời lẽ cứ chan chát làm rối cho quan
tòa biết xử ai đúng ai sai? Chợt nghĩ vụ án “Nga – Mỹ đánh nhau” mới đây
(Phương Nga – Cao Toàn Mỹ) so ra cũng chẳng khác mấy.
Rồi cũng
có bản án cuối cùng sau nhiều bản án đã tuyên trước đó, nhưng phía sau bản án
người ta không nhìn mặt nhau nữa. Tôi nhớ câu nói của LS Phan Trung Hoài “Hành
nghề luật nỗi buồn nhiều vô kể”, vâng, buồn cho thế thái nhân tình, buồn cho
người và cũng buồn cho mình vô phúc phải cùng đáo tụng đình.
Doanh nghiệp
lớn mạnh hơn hay giải thể cũng là lẽ thường trong nền kinh tế thị trường, mái ấm/hạnh
phúc gia đình cũng có thể tan vỡ nhưng trong vụ việc cụ thể này tôi buồn, tương
tự như các vụ tranh chấp tại số 28 Hùng Vương, 403 Nguyễn Trung Trực… tình cảm
gia tộc, tình cảm giữa những người thân, tình cảm bạn bè cứ trôi vào vòng xoáy
tình, tiền… ai còn nhớ câu “thương nhau chín bỏ làm mười” rồi đến lúc người
trong cuộc chẳng còn tiếc thương gì nhau, chỉ còn đọng lại sự hận thù. Pháp luật
không thể can dự những việc này, chỉ có thể gắng làm dịu đi các vết thương lòng,
áp dụng quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung nhất. Vậy thì, phải chăng nền giáo
dục phải cần xem lại mình, làm sao cho những “sản phẩm” của mình sau bao năm
đèn sách phải thấm nhuần đạo lý làm người, biết lấy tình người làm trọng mới “cho”
ra ngoài xã hội nhiều cạm bẫy kim tiền…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét