Ở vùng quê Miền Tây nhiều người dân hay
hù dọa trẻ hiếu động hoặc con nít hay khóc phải nín khóc bằng chuyện Ma da kéo hoặc bị ông Năm
Chèo xử tội.
Khi vụ sạt lở kinh hoàng tại sông Vàm
Nao vào ngày 22/4/2017 khiến 14 căn nhà
xây kiên cố bị nuốt xuống sông diễn ra, nguyên nhân xác định do tình trạng khai
thác cát tràn lan ở đầu và cuối sông từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cũng không ít
người dân địa phương thì thầm cho rằng đó là do “ông Năm Chèo” trở mình gây ra.
Vậy “ông Năm Chèo” là ai?
Không vội quy kết người dân mê tín dị
đoan, xứ sở bác Ba Phi thời khai hoang mở đất không thiếu những chuyện muỗi kêu
như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh, mãnh xà đuổi người, ông ba mươi hoành hành
thì việc có thêm chuyện ông Năm Chèo thì cũng... bình thường thôi.
Sông Vàm Nao (An Giang) dài chỉ hơn 7 km, nhưng độ
sâu lên đến hơn 17m. Đây là con sông nổi tiếng với nhiều cái nhất: là con sông
duy nhất nối sông Tiền và sông Hậu; ngắn nhất trong hệ thống sông ngòi Việt
Nam; có nhiều cá khổng lồ có tên trong Sách đỏ Việt Nam nhất; có nhiều cá dữ,
cá lạ nhất… Nói về mức độ khắc nghiệt của con sông này dân gian có câu: “Vàm
Nao nước chảy đứt đuôi xà”, cùng truyền thuyết ông Năm Chèo: đồn rằng tại cửa sông Vàm Nao ẩn mình một con
sấu lửa to lớn dị thường, da màu đỏ như lửa, lốm đốm bông hoa, có đến năm chân.
Vì nó ăn thịt quá nhiều người nên thành tinh. Đồng bào quanh vùng gọi kiêng là
ông “Năm Chèo”!
Nghe nói
cuối cùng ông Năm Chèo cũng bị tiêu diệt bởi 01 nông dân miệt U Minh, lại có
tin đồn con cá sấu 5 chân hung hãn ấy vẫn còn ẩn
núp dưới lòng sông Vàm Nao.
Thiên nhiên có những bí ẩn, sức mạnh
ngoài cả sức tưởng tượng của con người như thế đó!
Ở Miền Tây cũng có chuyện 01
ngôi mộ kỳ lạ - ngôi mộ chôn đứng!
Tôi đã có dịp đến huyện Cái Bè, tỉnh
Tiền Giang, nghé qua Nhà thờ Cái Bè – đây là một trong những ngôi nhà thờ đẹp
và nổi tiếng nhất Miền Tây và đặc biệt có dịp nhìn tận mắt ngôi mộ chôn đứng.
Ngôi mộ này nằm trong khuôn viên của
nhà thờ Cái Bè, có tường rào bao quanh, cũng như bao ngôi mộ khác ngôi mộ kỳ lạ
này cũng ngã màu thời gian, cỏ mọc bao
vây dù vẫn có người coi sóc. Điểm đặc biệt là ngôi mộ chôn đứng, không giống
với bất kỳ ngôi mộ nào khác.
Ngồi ở quán nước ngay cạnh phía trước
khu mộ, tôi suy nghĩ về con người được chôn trong mộ kia, ông tên Trần Bá Lộc, ông
ta đã sống, đã gây bao tội lỗi trên cuộc đời này, không nói về lý tưởng ông
theo đuổi nhưng chỉ với việc để thăng tiến và tính háo danh ông đã tàn sát biết
bao người dân yếu thế, vô tội; vậy thì ý tưởng khi mất được chôn đứng theo kiểu
ngạo nghễ của chủ nhân ông lại ứng với điềm "quả báo" dân gian “bị
trời trồng” khi phải chết đứng của kẻ bất hiếu, bất đạo.
Một cơn gió nhẹ thổi qua như thấu
hiểu những suy nghĩ ấy của tôi, chỉ tiếc cho người đã khuất bóng vì sự ngạo
nghễ cố chấp đã không chịu nằm mà phải chôn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt thế đó.
Hiện diện để làm gì, hoài niệm để làm gì, chẳng hăm dọa được ai cũng hoàn toàn
không có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ bây giờ. Cát bụi rồi cũng về với cát bụi
mãi mãi, hận thù rồi cũng đến lúc hóa giải, mong rằng cùng vật đổi sao dời ông
được "nằm" xuống và được quên lãng, mong lắm thay!
Trăm
năm bia đá cũng mòn
Ngàn
năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Xem ra, cùng
quy luật đào thải kết cục của cái ác rồi cũng sẽ đến, tuy nhiên truyền thuyết
ông Năm Chèo vẫn được bà con mình chấp nhận hơn là ngôi mộ chôn đứng Trần Bá
Lộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét