Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Bài bào chữa

BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO L.S.LIÊM - TỘI “CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH” TRƯỚC TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GÒ QUAO NGÀY 31/05/2017

Kính thưa Hội đồng xét xử, thưa vị đại diện Viện kiểm sát, thưa quý vị dự khán phiên tòa hôm nay!
Tôi, Luật sư…….. là luật sư cộng tác viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh K. Với tư cách luật sư bào chữa cho bị cáo L.S.Liêm, bị Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Gò Quao (VKS) truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ Luật hình sự (BLHS). 

 Sau khi nghiên cứu hồ sơ và qua phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa hôm nay tôi trình bày quan điểm pháp lý đối với vụ án như sau:
Kính thưa HĐXX,
I. Nội dung điều tra vụ án
Do mâu thuẫn với nhau vào khoảng 20 giờ 40 phút ngày 14/10/2016 Nguyễn Minh Luân đang ngồi uống cà phê cùng với Lý Công Điền, Chương Quốc Trịnh tại quán Thiên Nhi thuộc KP Phước Trung 2, TTGQ thì V.Q.Cường, L.S.Liêm đến. Liêm dùng cây đánh Trịnh (người mặc áo trắng trước đó cho là đã quơ tay trúng Liêm trên đường) nhưng không trúng, Trịnh bỏ chạy ra ngoài rồi vấp té, Liêm chạy đến đạp chân vào Trịnh vài cái; cùng khi đó ở trong quán Cường đã dùng khúc cây tràm đánh trúng vào đầu của Luân một cái làm Luân té xuống nền gạch, rồi Cường trong quán chạy ra cầm nón bảo hiểm đánh vào đầu Trịnh 2-3 cái sau đó Cường, Liêm bỏ đi. Luân được mọi người đưa đi bệnh viện điều trị đến ngày 21/10/2016 thì xuất viện.
Tại bản kết luận giám định số 655/KL-PY ngày 7/12/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh K: Tỷ lệ thương tích của Nguyễn Minh Luân hiện tại là 45%; vật gây thương tích là vật tày.
V.Q.Cường, L.S.Liêm bị truy tố và xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” (theo khoản 3 Điều 104 BLHS).
II. Quan điểm của người bào chữa về vụ án
A.  Nhận định về tội danh và khung hình phạt mà bị cáo L.S.Liêm bị truy tố, xét xử
Tôi không đồng ý về tội danh, vì hành vi của bị cáo không cấu thành tội Cố ý gây tương tích
Quá trình điều tra vụ án, quan điểm xử lý hành vi của bị cáo L.S.Liêm theo tôi là thiếu khách quan, không thuyết phục bởi lẽ:
Trong buổi tối xảy ra vụ Cố ý gây thương tích, bị cáo Liêm chở Cường đi trả xe máy cho bạn tên Toàn ở Thủy Liễu, trên đường đi Liêm bị một thanh niên đi ngược chiều quơ tay trúng vào mắt trái, nhưng vì một phút bốc đồng của tuổi trẻ Liêm đã quay xe lại đuổi theo người quơ tay trúng mình để giải quyết mâu thuẫn. Đây là mâu thuẫn nhỏ, cái quơ tay trúng mặt do vô tình không gây đau, chỉ khiến Liêm loạng choạng tay lái, giữa Liêm và nhóm 03 người đi xe máy không có xích mích từ trước, do nông nổi nhất thời nên mới quay lại tìm người chỉ với mong muốn dằn mặt cho hả cơn tức giận – ý định của Liêm chỉ có vậy. Thực tế diễn ra ở quán Thiên Nhi cũng cho thấy rõ điều đó khi khúc cây tràm mà Liêm cầm trong tay là do Cường tìm trong công viên và đưa cho (cả 2 không có sự chuẩn bị trước hung khí), khi đánh Trịnh - người thanh niên mặc áo trắng (mà Liêm cho là người đã quơ tay trúng mắt mình) nhưng đánh hụt  và khi Trịnh bị vấp té thì Liêm đã không dùng đến khúc cây tràm để đánh mà lấy chân đạp vào người Trịnh 2-3 cái, lúc đó có nón bảo hiểm trên đầu nhưng Liêm cũng không cởi ra để đánh Trịnh – điều đó cho thấy trong ý thức của Liêm chỉ muốn đánh dằn mặt (cảnh cáo) Trịnh, về mặt chủ quan bị cáo không hề có ý định gây thương tích, không hề mong muốn gây thương tích cho Trịnh và thực tế Liêm không gây thương tích gì cho Trịnh. (Nếu muốn Liêm hoàn toàn có thể dùng cây, dùng nón bảo hiểm đánh Trịnh lúc Trịnh té ngã).
Riêng đối với thương tích của Luân thì Liêm không liên can, không nhìn thấy và không biết, Liêm chỉ biết có việc gây thương tích khi Cường kể lại sau đó (bút lục số 54).
Do đó, cáo trạng cho rằng Liêm là đồng phạm tội Cố ý gây thương tích (với vai trò giúp sức tích cực) là thiếu tính thuyết phục, ý thức của Liêm không muốn gây thương tích cho ai cả, trong trường hợp này hành vi của Liêm chỉ là vi phạm hành chính (hành vi đánh nhau gây rối trật tự công cộng, gây mất trật  tự ở nơi công cộng…) hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.  
Trong vụ việc này, giá như Liêm biết chọn cách xử sự ôn hòa hơn thì việc ẩu đả đã không xảy ra, tiếc rằng em đã không kiềm chế được mình.
Theo tôi, tội danh mà VKS đưa ra đối với Liêm là không chính xác. Bởi  vì:
- Đối với tội “Cố ý gây thương tích” được thể hiện qua hành vi dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác tác động lên cơ thể gây tổn thương (như ép nạn nhân tự gây thương tích, xô đẩy làm cho nạn nhân ngã va vào vật cứng...); ở đây Liêm không gây thương tích cho anh Trịnh, anh Luân.
- Vai trò đồng phạm trong vụ án, phải xem Lê Sĩ Liêm có đồng phạm hay không?
L.S.Liêm không đồng phạm tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS. Bởi lẽ, Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia, mà những người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Chế định đồng phạm quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự được hiểu là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Bộ luật hình sự quy định có hai loại đồng phạm: Đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia. Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.
Như đã phân tích ở trên, việc Cường dùng khúc cây tràm đập vào đầu anh Luân là hoàn toàn do ý thức chủ quan và bộc phát của Cường. Hơn nữa sự việc xảy ra quá nhanh, lại khuất tầm mắt nên Liêm cũng không có thời gian để ngăn cản và cũng không mong muốn Cường thực hiện hành vi này. Do đó, Liêm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của Cường.
Ở đây Liêm không có sự bàn tính trước với Cường về Cố ý gây thương tích, hung khí gây án không được chuẩn bị trước, những người liên quan không có sự mâu thuẫn từ trước, Liêm không mong muốn gây thương tích.
Hành vi của Liêm chỉ là hành vi gây rối trật tự công cộng mà thôi.
B.  Nhận định về tỷ lệ thương tật của anh Luân, tính chất hành vi, thái độ khai báo của Liêm
Trong giai đoạn điều tra vụ án, cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Quao đã trưng cầu giám định thương tật của anh Luân đúng quy định, tôi không có ý kiến gì thêm.
* Tính chất hành vi của Liêm
Hành vi của Liêm là do nông nổi của tuổi trẻ, mang tính nhất thời, do nhận thức pháp luật kém, nhưng ý thức không hề mong muốn thương tích xảy ra cho nhóm anh Trịnh, Luân.
* Thái độ khai báo của Liêm (Bút lục 52,65,118,119,175,176)
- Tại bản tường trình ngày 25/10/2016 (Bút lục số 65), Liêm cho biết: “Tôi và Cường cầm cây đi vào quán Thiên Nhi nơi người thanh niên mặc áo trắng đang đứng, tôi dùng cây đánh nhưng không trúng, còn Cường đánh ai và có trúng hay không thì tôi không để ý đến”, còn tại bút lục số 66 thì “Tôi không biết tên tuổi nhà cửa người thanh niên Cường đánh và cũng không nhớ ăn mặc như thế nào. Nếu gặp lại tôi không nhớ được.”
- Tại biên bản hỏi cung bị can ngày 9/3/2017 (Bút lục số 52), Liêm khai nhận: “Tôi không trực tiếp nhìn thấy Cường đánh Luân gây thương tích nhưng tôi nghe Cường nói lại mà thôi. Tôi không nhìn thấy là do lúc đó tôi đuổi đánh một người thanh niên trong nhóm nên không để ý Cường đánh ai và đánh như thế nào”.
Thái độ khai báo của Liêm là thật thà, trung thực, thành khẩn để làm rõ vụ án.
*Nhận định của VKS về nhân thân của Liêm:
Theo cáo trạng, bị can có 01 tiền sự - vào ngày 9/8/2013 bị UBND huyện Gò Quao ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng số 5 tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh L thời gian 24 tháng. Theo tôi đây là biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của Luật XLVPHC, là biện pháp xử lý hành chính không phải là hình phạt theo quy định của BLHS. Ngoài ra, theo quy định tại K2 Đ 77 BLHS người chưa thành niên phạm tội nếu được áp dụng những biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì không bị coi là có án tích!
Cũng nên làm rõ thêm Liêm nghỉ học từ năm lớp 7 và cũng chưa có công việc gì cụ thể để giúp gia đình, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn khi mẹ Liêm phải lấy việc bán vé số làm nghề mưu sinh nuôi các con. Sau khi sự việc xảy ra Liêm đã rất hối hận về lầm lỗi của mình do phút thiếu suy nghĩ, quyết không tái phạm sai lầm.
*Về Đặc điểm tâm lý đặc thù của người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi):
Liêm là người chưa thành niên, như đã nêu ở trên em có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, không toàn vẹn, em thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của gia đình, xã hội, vì thế trong tình huống cụ thể của vụ án này em đã không tự chủ được bản thân và không phân biệt được phải trái, đúng sai thể hiện qua hành vi ngang bướng, dễ tự ái, gây gổ, phô trương. Chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, nhưng không kiềm chế được sự nóng giận quá khích cùng nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế mà Liêm đã phạm phải hành động sai lầm, tham gia đánh người.
Kính mong HĐXX xem xét những đặc điểm đó, có sự cảm thông giúp Liêm sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội.
III. Vấn đề khắc phục hậu quả xảy ra
Ngay sau khi xảy ra vụ án, bản thân và gia đình Liêm rất khó khăn nên chỉ có thể đến thăm hỏi anh Luân; về mặt dân sự anh Luân cũng không có yêu cầu gì đối với Liêm.
IV. Đề nghị hướng xử lý
Qua phân tích và nhận định trên, tôi đề nghị HĐXX:
Xem xét tuyên L.S.Liêm không phạm tội Cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS.
Trong vụ án này không có đồng phạm, Liêm chỉ có hành vi đánh nhau gây rối trật tự công cộng, hãy để phiên tòa này giúp Liêm nhận ra lầm lỗi, giúp Liêm có cơ hội hòa nhập cộng đồng, giúp Liêm sống tốt hơn với cả một tương lai dài phía trước, tự hoàn thiện bản thân để làm người có ích cho xã hội.

Trân trọng cảm ơn HĐXX đã chú ý lắng nghe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét