Hôm qua, tôi có chuyến công tác đến huyện TH, đường không xa, tuy nhiên có nhiều câu chuyện từ chuyến đi này.
Câu chuyện thứ nhất: Hoang tàn một cơ sở giáo dục
Đây là hình chụp về những gì còn lại của trường bổ túc văn hóa tỉnh trước đây, một thời khó khăn để nâng cao dân trí, có nguồn nhân lực đảm đương nhiệm vụ chúng ta đã cho những loại hình bổ túc văn hóa (giáo dục thường xuyên hiện nay), tại chức (vừa làm vừa học hiện nay) tồn tại. Các loại hình này đã kết thúc vai trò của nó ở giai đoạn trước đây và chuyển sang hình thức mới hiện nay. Tuy nhiên những cơ sở công lập này sau khi được chuyển sang các địa điểm mới, hình thức mới thì những gì còn lại hoang tàn như thế này (Nơi đây từng là trường bổ túc văn hóa tỉnh, rồi trường trung học cơ sở - trung học phổ thông, nay xuống cấp và bị bỏ hoang).
Câu chuyện thứ hai: Ngôi nhà chung của những đối tượng yếu thế
Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh (thường được gọi nôm na là làng trẻ mồ côi) nằm trong một khuôn viên rộng, nơi đây là mái nhà chung của nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội: trẻ em mồ côi, người khuyết tật, cơ nhỡ... Hoàn cảnh rất khó khăn và đáng thương là đặc điểm chung của nhiều người khi được đưa vào đây tá túc, và như lời anh Sáu - Giám đốc trung tâm thì để làm được công việc của mình ở đây thì cần phải có những con người có tâm, cần có một tấm lòng thương yêu vô hạn dành cho họ.
Câu chuyện thứ ba: Số phận con người
Nơi đây chứng kiến nhiều số phận con người lầm lỗi, nơi mà con người phải khai nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, hoạt động trợ giúp pháp lý vì thế là vô cùng cần thiết dù cho trên thực tế nhận thức về nó có thể khác nhau.
Câu chuyện thứ tư: Về với nguồn cội
Năm nay là năm Covid thứ hai, chắc chắn như năm rồi hoạt động lễ hội tại Đền Hùng năm nay vẫn phải được tổ chức gọn ghẽ nhất có thể. Đó là lý do tại sao tôi lại tranh thủ vào thăm nơi đây trước ngày 10/3, như một cách tìm về với cội nguồn dân tộc.