Địa danh Rạch Giá mặc dù đã xuất hiện từ khi
thành lập trấn Hà Tiên năm 1708 nhưng đó chỉ là một cụm dân cư xung quanh rạch
Giá và về sau trở thành tên một ngôi chợ chứ không phải là tên một đơn vị hành
chính.
Năm 1757,
Mạc Thiên Tích thành lập huyện Kiên Giang và huyện Long Xuyên, chúng ta cũng
thấy không nhắc đến tên Rạch Giá.
Theo địa bạ triều Nguyễn lập năm 1936 (Địa bạ Minh Mạng),
năm 1832, vua Minh Mạng thành lập tỉnh Hà Tiên gồm 1 phủ và 3 huyện là Hà Châu,
Kiên Giang và Long Xuyên, trong đó huyện Kiên Giang có 4 tổng là Giang Ninh,
Kiên Định, Kiên Hảo và Thanh Giang, địa bàn thành phố Rạch Giá hiện nay nằm
trong tổng Kiên Định với các xã: An Hòa xã, Sái Phu xã, Minh Hương Vĩnh Lạc xã,
Vĩnh Thạnh xã (Vĩnh Thanh) và Vân Tập xã. Sái Phu xã chính là khu vực chợ Rạch
Giá (cũ).
Vào thời Nguyễn, khu vực Rạch Giá có 3 cơ sở thờ tự quan
trọng là đình Vĩnh Huề, đình Vân Tập và miếu thờ Quan Thánh đế quân. Đình Vân
Tập có phối thờ cá ông, sau trở thành đình thờ Nguyễn Trung Trực.
Ngôi chùa Tam Bảo là một ngôi chùa nhỏ thờ Phật nhưng
được vua Gia Long ban sắc nên gọi là “Sắc tứ Tam Bảo tự”, nguyên ngôi chùa này
do một người phụ nữ tên Dương Thị Oán cất để thờ Phật, dân địa phương gọi là
chùa Bà Hoặng, có lẽ bà là người Hoa Triều Châu, phát âm tiếng Tiều
"Oán" thành "Hoặng" chăng. Tương truyền bà Hoặng có giúp
quân Nguyễn Ánh một ghe lương thực nên vua Gia Long sắc phong cho chùa này.
Mãi cho đến năm 1868 khi thực dân Pháp chiếm Nam kỳ lục
tỉnh và chia tỉnh Hà Tiên cũ thành 2 hạt quản lý (tiểu khu) thì Rạch Giá mới
chính thức là tên của một tiểu khu, đến năm 1900 các tiểu khu chính thức đổi là
tỉnh.
Tỉnh Rạch Giá của chính quyền thực dân rất rộng, mà thủ
phủ là khu vực Rạch Giá, trụ sở tòa hành chánh và dinh tỉnh trưởng nằm bên bờ
hữu con rạch Giá (chỗ UBND tỉnh Kiên Giang và Nhà Thiếu nhi tỉnh hiện nay).
Lỵ sở tỉnh Rạch Giá nằm trong quận Châu Thành. Quận Châu
Thành thời Pháp bao gồm luôn cả huyện Châu Thành, huyện Tân Hiệp, huyện Hòn Đất
và thành phố Rạch Giá hiện nay.
Khu vực trung tâm nơi có lỵ sở của tỉnh thường được gọi
là thị xã gồm các làng Vĩnh Lạc, Vĩnh Thanh, Vĩnh Huề và Vân Tập, sau đó 3 làng
Vĩnh Thanh, Vĩnh Huề và Vân Tập nhập lại thành làng Vĩnh Thanh Vân.
Địa giới hành chính của chính quyền thực dân Pháp tồn tại
đến năm 1954. Từ sau năm 1945, chính quyền kháng chiến gọi các làng trên là
“Thị xã Rạch Giá” cho đến hết cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Vào thời thực dân Pháp cai trị, họ quy hoạch đường
sá trong nội ô tỉnh lỵ, cất nhà lồng chợ, cho dân cất hai dãy phố bên hông chợ,
đồng thời nhiều người có tiền do làm ăn, buôn bán cất nhiều ngôi nhà khá khang
trang theo các con đường được quy hoạch. Một số địa chủ giàu có xây nhà
ngói hoành tráng như biệt thự; làm con đường nối Rạch Giá đi Minh Lương, các
bang hội người Hoa cất các miếu thờ bà Thiên Hậu, thờ Ông Bổn.
Chính quyền xây tòa hành chánh, dinh tỉnh trưởng, tòa án,
kể cả xây nhà tù bằng đá rất chắc chắn, đồng thời đào kênh Ông Hiển để ghe
thuyền từ U Minh ra Rạch Giá thuận lợi hơn. Dọc theo kênh Ông Hiển, nhiều nhà
máy xay lúa, chành lúa gạo mọc lên gom lúa gạo của Rạch Giá chở lên Sài Gòn.
Chính quyền thực dân Pháp đào kinh nhánh (Kênh Nhánh) để thoát nước
làm cho khu vực Vĩnh Thanh Vân được bao bọc bởi các kênh và rạch, từ đó có
nhiều người cho rằng Rạch Giá trước đây là một cù lao.
Ngoài con đường chính từ Rạch Giá đi Minh Lương, chính
quyền thực dân còn làm con đường cặp kênh Ông Hiển (đường Ngô Quyền hiện nay),
con đường cặp mé biển (đường Lâm Quang Ky) và đường từ khu hành chính đi Cầu
Suối (đường Quang Trung).
Chính quyền thực dân còn làm cây cầu quay (dạng cầu cất
lên) nối liền khu hành chánh và khu chợ; làm cây cầu quay (dạng quay thụt) bắc
ngang rạch Vàm Trư sang khu nhà thờ; cây cầu quay (dạng cầu quay ngang) trên
đường Rạch Giá - Minh Lương; xây cầu đúc và cây cầu sắt ngang Kênh Nhánh. Đến
năm 1924 đào kênh xáng Rạch Giá - Hà Tiên, đồng thời làm con đường cặp theo con
kênh này.
Có thể nói rằng chính quyền thực dân đã kiến thiết cơ sở
hạ tầng khá hoàn chỉnh khiến bộ mặt nội ô tỉnh lỵ (thị xã Rạch Giá) thay đổi
rất nhiều.
Năm 1956, chính quyền Sài Gòn đổi tên quận Châu Thành
thành Kiên Thành, lập quận Kiên Tân (Tân Hiệp), năm 1961 thành lập quận Kiên
Lương, địa giới quận Kiên Thành thu hẹp lại. Năm 1958, chính quyền Sài Gòn cho
xây cổng Tam Quan trên đường Nguyễn Trung Trực thuộc xã Vĩnh Lạc, trên cổng có
ghi “Châu Thành Rạch Giá”. Có thể nói đến lúc này Rạch Giá trở thành tên gọi
chính thức khu vực nội ô tỉnh lỵ mặc dù chưa là một dơn vị hành chính. Năm 1970
thành lập thị xã Rạch Giá, địa giới từ An Hòa (Cầu Quay) đến cầu Số 2. Từ năm
này, Rạch Giá chính thức là một địa danh hành chính. Quận lỵ Kiên Thành dời về
Rạch Sỏi.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quân đội Sài Gòn
lập một sân bay quân sự cho máy bay trực thăng ở ngoài cổng Tam Quan, bên
trái đường Nguyễn Trung Trực xuống đến đường Ngô Quyền, với tên gọi là sân
bay Lạc Hồng, phía bên phải xuống biển là nghĩa trang quân đội.
Cũng từ năm 1970, chính quyền cách mạng cũng theo địa
giới của chính quyền Sài Gòn mở rộng phạm vi của thị xã Rạch Giá.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước ta trải
qua thời kỳ bao cấp, kinh tế không phát triển nên trên địa bàn thị xã Rạch Giá
chỉ phát triển một số xí nghiệp chế biến nông sản và thủy sản. Đời sống khó
khăn nên bộ mặt thị xã Rạch Giá không được phát triển, phải đến sau năm 1986
mới hồi phục và phát triển như hiện nay.
Nhà
nghiên cứu TRƯƠNG THANH HÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét